ĐÌNH- MIẾU- CHÙA PHÚC DUYÊN- ĐIỂM HẸN VĂN HÓA TÂM LINH.
Đình- Miếu- chùa Phúc Duyên được UBND tỉnh Hải Dương (nay là UBND thành phố Hải Phòng) ban hành Quyết định số 629/QĐ-UBND ngày 7 tháng 2 năm 2005 xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Cụm di tíchnằm trong một quần thể có cảnh quan đẹp, rợp bóng cây xanh. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, đồng thời cũng là địa điểm nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa quan trọng của người dân địa phương.

Đình Phúc Duyên gắn liền với tên gọi của làng Phúc Duyên xưa kia, nay là khu 1,2,3 - phường Tân Hưng. Đình thờ ba vị tôn thần là Đức vua Lý Anh Tông, Quốc mẫu Hoàng Thái hậu và Quốc tỷ Quỳnh Chân công chúa. Truyền ngôn, đình được xây dựng từ khá sớm nhưng trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự ác liệt của các cuộc chiến tranh, đình đã bị tàn phá. Năm 2009, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đình đã được phục dựng lại. Đình Phúc Duyên có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái xây theo kiểu “đao tàu déo góc”, 1 gian cổ dải và 2 gian hậu cung xây tường hồi “bít đốc bổ trụ". Trong khuôn viên di tích còn có các công trình phụ trợ khác như lăng mộ vua Lý Anh Tông, nghi môn, tắc môn, giải vũ, nhà bia, giếng ngọc... Khuôn viên di tích có tường bao bảo vệ kiên cố. Công trình chủ yếu được làm bằng chất liệu bê tông cốt thép sơn màu giả gỗ theo lối kiến trúc truyền thống thời Nguyễn.
Trước đây, đình ở đầu làng (ven đường Yết Kiêu hiện nay), miếu, chùa ở sau làng, theo kiến trúc kiểu: “Tiền thần hậu Phật". Năm 1983, đình bị giải hạ, miếu, chùa và lăng do thời gian và thiên tai hủy hoại, bị xuống cấp. Thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, năm 2013, được sự quan tâm của chính quyền và Nhân dân địa phương đã hưng công tôn tạo đình, lăng, chùa tập trung vào khu vực cuối làng tạo thành một quần thể di tích khang trang. Toạ lạc trên một mảnh đất bằng phẳng, miếu - chùa Phúc Duyên được xây dựng từ khá sớm. Xung quanh khu di tích xưa, phía Bắc có miếu Đống Bích, đồng Tầng, đống Gạch. Đến năm 1985, các đống này bị phá đi để lấy vật liệu lấp hố bom và mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp.
Miếu Phúc Duyên tôn thờ 3 vị thần là: Vua Lý Anh Tông, Quốc mẫu Lê Thị Thái hậu và Quốc tỷ Quỳnh Chân Công chúa. Theo thần tích do Hàn Lâm viên Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng phúc nguyên niên (1572), vào thời vua Lý Anh Tông (1136 - 1175), đất nước thanh bình thịnh trị, vua cùng Hoàng Thái hậu và Công chúa Quỳnh Chân ngự giá, tìm nơi có phong cảnh đẹp cho lập hành cung để Thánh thượng ngự lãm. Khi tới đảo Phúc Duyên trang, thấy xóm làng trù phú, dân cư đông đúc, phong cảnh hữu tình, vua liền sai đóng quân, dựng trại để thưởng ngoạn cảnh kỳ thú của non song đất nước. Bô lão cùng dân làng Phúc Duyên đến chào mừng. Vua liền ban yến tiệc khao dân làng, lại cấp cho 50 lượng vàng, 30 khoảnh ruộng để làm đất thang mộc. Khi Thái hậu, vua Lý Anh Tông và Công chúa qua đời, dân làng lập miếu tôn 3 vị là Thành hoàng làng.Ngôi miếu hiện nay vẫn còn nằm trong khu vực chùa, kiến trúc kiểu chữ Nhất (-) bao gồm 1 gian 2 dĩ, kết cấu khung vì kiểu “kèo cầu trụ báng" kết hợp kẻ chuyền theo kiến trúc thời Lê (TK XVII). Từ ngoài nhìn vào là ban thờ, trên có bát hương, phía sau có giá gác 2 kiếm thờ. Cửa võng sơn son thếp vàng, phía trên là bức đại tự có 3 chữ “ giáng hà phúc" nghĩa là: giáng phúc rộng khắp nơi. Phía cuối gian thờ có khám và tượng vua Lý Anh Tông, tượng chất liệu gỗ. Đôi câu đối treo 2 bên cột: “Nhất môn rực tán trung hưng nghiệp Lịch đại gia phong thượng đẳng thần", có nghĩa: Một nhà phù giúp trung hưng nghiệp Nhiều triều đại gia phong thượng đẳng thần. Đặc biệt di tích còn lưu giữ được 1 hòm sắc phong trong đó còn giữ được 1 quyển Thần Phả và 8 đạo sắc phong thời Nguyễn vào các năm: Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909) (2 đạo), Khải Định thứ 9 (1924) (3 đạo). Cuốn Thần Phả là tài liệu Hán nôm rất quý hiếm do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572). Năm 2013, Ban quản lý di tích đã cho dựng bia Thần tích sao y bản văn cuốn Thần phả, làm nhà bia phía hữu sân đình mới, bên cạnh giếng ngọc.
Chùa Phúc Duyên thờ Phật theo thiền phái Đại thừa, với giáo lý đạo Phật khuyên răn con người sống lương thiện, cần cù, chịu khó, trút bỏ mọi điều ác để con người sống tốt hơn. Ngoài thờ Phật, chùa Phúc Duyên còn thờ sư Tổ Thích Đàm Ôn quê ở thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc (nay là phường Thạch Khôi- thành phố Hải Phòng), là người có công xây dựng chùa và mất tại chùa. Ngoài ra, khu di tích còn có các công trình mới được xây dựng: Năm 1997 xây 3 gian nhà Mẫu, năm 2001- 2002 xây 7 gian nhà thờ tổ, năm 2006 xây 5 gian nhà soạn, năm 2009 tu bổ toà Tam bảo. Trong những năm gần đây, chính quyền, Nhân dân địa phương và nhà sư trụ trì tại chùa tiếp tục vận động lòng hảo tâm, tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Tam quan, nhà Khách, nhà Trai đường… di tích ngày càng trở lên khang trang, đẹp đẽ, thu hút đông đảo Nhân dân và khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.
Trước Cách mạng tháng 8-1945 lễ hội làng Phúc Duyên kéo dài từ ngày mồng 8 tháng Giêng kéo dài đến hết ngày 15 tháng Giêng. Trọng hội tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng. Ngày mồng 9 tháng giêng nhân dân tổ chức rước kiệu Thành Hoàng từ miếu ra lăng để sơ tế sau đó rước về đình tổ chức đại tế. Ngày nay, nhân dân Phúc Duyên tổ chức lễ hội vào ngày mồng 10 tháng Giêng hàng năm. Tại chùa Phúc Duyên, hàng năm đều tổ chức các sự lệ nhà Phật theo đúng nghi lễ và nghi thức truyền thống đã góp phần bao tồn và phát huy mạnh mẽ giá trị di sản văn hoá phi vật thể tại cụm di tích miếu - chùa Phúc Duyên.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những biến cố của thời đại và sự tàn phá của thời gian, nhưng nơi đây khói hương vẫn không bao giờ nhạt phai, linh khí của nơi đất thiêng vẫn trường tồn theo năm tháng và trở thành điểm hẹn văn hoá tâm linh của người dân, du khách.